homs RỐI LOẠN SẮC TỐ DA ~ THẨM MỸ BÁC SĨ PHÚC

thammybacsiphuc

Thứ Bảy, 23 tháng 12, 2017

RỐI LOẠN SẮC TỐ DA

RỐI LOẠN SẮC TỐ DA
Ths.Bs. Đinh Công Phúc
1. Đại cương
          - Rối loạn sắc tố da là hiện tượng tăng hay giảm sắc trên da mà gây ảnh hưởng đến tâm lí người bệnh. Thường bệnh nhân tìm đến bác sỹ chỉ vì yếu tố tâm lí, họ hy vọng được tư vấn về tình trạng bệnh của họ, cũng như cách thức điều trị hợp lí.       Để hiểu sâu thêm về cấu trúc da cũng như các rối loạn sắc tố trên da, có thể chia các rối loạn sắc tố làm 3 loại như: tổn thương ở thượng bì, tổn thương ở trung bì và tổn thương phối hợp cả trung bì-thượng bì.
2. Rối loạn sắc tố và điều trị
2.1. Rối loạn sắc tố ở thượng bì
2.1.1. Tàng nhang (Ephelides or freckles)
          - Tàng nhang là những mảng tăng sắc tố màu vàng hay xám nâu, xảy ra ở những vùng hay tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Khởi bệnh lúc còn trẻ và hay gặp ở những người da trắng, tóc nâu sáng.
         - Trên hình ảnh mô bệnh học: Melanin hóa chỉ xảy ra từ lớp đáy của thượng bì, số lượng tế bào melanin  bình thường nhưng nhân bị kéo dài ra.
              - Điều trị: đáp ứng tốt với hệ thống IPL (Intense Pulsed Light) và laser Q-switched Nd:YAG (532 nm), TCA, áp nitơ lạnh v.v
2.1.2. Lentigo simplex
          - Lentigo simplex là những mảng tăng sắc tố màu nâu sáng hay đen, giới hạn rõ, gặp cả ở vùng niêm mạc. Khởi bệnh từ lúc mới sinh, không đối xứng 2 bên.
- Trên hình ảnh mô bệnh học: Tế bào melanin tập trung chủ yếu ở lớp đáy của thượng bì, các tua tế bào ăn sâu vào các mao mạch của trung bì.
          - Điều trị:   IPL, laser Q-switched Nd:YAG (532 nm-1064nm), laser Q-switched Alexanderite (755 nm), laser Q-switched Ruby (695 nm), TCA,  áp nitơ lạnh v.v
2.1.3. Solar lentigenes
          - Solar lentigenes là những mảng màu nâu, không đối xứng, giới hạn rõ, là bệnh lão hóa da do tuổi tác, hay gặp ở mặt và cánh tay.
         - Khởi bệnh thường ở tuổi trung niên, sau đó tăng dần về kích thước, màu sắc và số lượng
        - Trên hình ảnh mô bệnh học: Tế bào melanin tập trung chủ yếu ở lớp đáy của thượng bì, các tua tế bào ăn sâu vào các mao mạch của trung bì.
      - Điều trị: như Lentigo simplex
2.1.4. Mảng sắc tố vùng môi (Labial melanotic macules)
    - Mảng sắc tố vùng môi là mảng tăng sắc tố, giới hạn rõ, thường xảy ra ở môi dưới (khoảng 3%), không đối xứng. Có thể nằm trong hội chứng Langier-Hunziker (gồm cả niêm mạc miệng) hay độc lập.

          - Trên hình ảnh mô bệnh học: Tế bào melanin tập trung chủ yếu ở lớp đáy của thượng bì.
- Điều trị: như Lentigo simplex
2.1.5. Viêm da tuyến bã (Seborrhoeic keratosis)
          - Viêm da tuyến bã có triệu chứng tương tự như Solar lentigenes, nhưng mảng sắc tố này dày hơn, nổi cao lên mặt da, gặp tất cả mọi nơi trên cơ thể. 50% do gen trội nằm trên nhiễm sắc thể thường qui định.
          - Trên hình ảnh mô bệnh học: như Solar lentigenes
          - Điều trị: laser CO2, áp nitơ, đốt điện v.v.
2.2. Rối loạn sắc tố hỗn hợp thượng bì- trung bì.
2.2.1. Bớt Becker
          - Bớt Becker là mảng tăng sắc tố màu nâu sáng, không đối xứng, thường ở vùng vai, vùng ngực và vùng lưng. Tầng suất hay gặp ở nam giới, ít gặp ở nữ.
         
     - Số lượng tế bào melanin bình thường hay tăng nhẹ ở lớp đáy. Tuyến bã ở lớp trung bì tăng sinh, dày lên, phần phụ của da cũng tăng sinh như: cơ dựng lông.
- Điều trị: Khó điều trị, có xu hướng tái phát. Laser xung dài có hiệu quả hơn laser Q-switched.
2.2.2. Nám da (Melasma)
          - Nám da là hiện tượng tăng sắc tố, tuổi trung niên, thường là người phương Đông và da đen. Tỉ lệ khoẳng 40% nữ, 20% nam. Mảng sắc tố này gặp ở mặt, đối xứng hai bên, thường là hai bên má, có sự tham gia của hormon nội tiết.
- Trên hình ảnh mô bệnh học: các tế bào melanin trải dài từ trung bì lên đến thượng bì.
- Điều trị: nhiều phương pháp điều trị đã được báo cáo như: lột da, hóa chất trắng da, IPL, laser Q-switched điều ít mang lại kết quả khả quan. Gần đây, có nhiều báo cáo về hiệu quả của Fraxel laser để điều trị nám da.

2.2.3. Tăng sắc tố sau viêm (PIH)
          - Tăng sắc tố sau viêm là do tổn thương da sau chấn thương, dùng laser hay phẫu thuật. Hay gặp bệnh nhân da đen, da vàng. Bình thường PIH kéo dài từ một vài tháng đến vài năm, tùy theo từng bệnh nhân.
- Trên hình ảnh mô bệnh học: các tế bào melanin trải dài từ trung bì lên đến thượng bì.
          - Điều trị: Dùng tác nhân làm trắng da tại chỗ kết hợp với kem chống nắng.
2.2.4. Tăng sắc tố quanh mắt có tính chất gia đình (Periorbital familial hyperpigmentation)
          - Tăng sắc tố quanh mắt có tính chất gia đình là hiện tượng tăng sắc tố ở vùng quanh mí mắt trên và dưới, đối xứng hai bên, thường gặp người châu Á, An Độ. Do gen trội nằm trên nhiễm sắc thể thường quy định.
          - Trên hình ảnh mô bệnh học: Tăng lượng melanin ở lớp đáy của thượng bì và tăng giai đoạn melanin hóa ở phần trên của trung bì.
              - Điều trị: Ít đáp ứng điều trị, cho dù có nhiều báo cáo cho là có
hiệu quả với laser.
2.3. Rối loạn sắc tố hỗn hợp
2.3.1. Bớt sắc tố Ota
- Bớt sắc tố Ota là bớt sắc tố bẩm sinh, với những tổn thương chỉ tập trung ở vùng chi phối của nhánh mắt và nhánh hàm trên của dây thần kinh V, Đặc trưng là những dát màu xanh đen phẳng hay màu nâu-lam xám hòa lẫn nhau hay những chấm màu nâu. Những mảng sắc tố này thường còn tìm thấy ở củng mạc và niêm mạc mắt, niêm mạc miệng hay mũi. Tỉ lệ hay gặp  là: Canada: 0,014%, Nhật: 1,1%, châu Á: 0,2-0,6%.
- Trên hình ảnh mô bệnh học: các tế bào melanin nằm trong toàn bộ thượng bì, trung và hạ bì của da.
- Điều trị:
+ Mài da, phẫu thuật, laser CO2: Hết được tổn thương nhưng có nguy cơ tạo sẹo cao, ít mang lại kết quả thẩm mỹ.
+ Laser Q-switched Nd:YAG (532 nm-1064nm), laser Q-switched Alexanderite (755 nm), laser Q-switched Ruby (695 nm): Đáp ứng tốt mang lại kết quả thẩm mỹ, không để lại sẹo.
2.3.2. Bớt sắc tố Hori
- Bớt sắc tố Hori là bớt sắc tố mắc phải, vị trí hay gặp là vùng trán, hai bên má, hai bên thái dương, hai bên mí mắt hay cánh mũi. Thường
xuất hiện trễ hơn vào độ tuổi khoảng trên 30 tuổi, thường gặp ở nữ. Không thấy xuất hiện ở niêm mạc mắt hay miệng. Tỉ lệ hay gặp ở Đài Loan: 0,8%.
- Về hình ảnh mô bệnh học: các tế bào melanin tập trung chủ yếu ở trung bì nông và thượng bì của da.
- Điều trị: như bớt sắc tố Ota
2.3.3. Bớt sắc tố Mongolian (Mongolian spots)
          - Bớt sắc tố Mongolian là mảng tăng sắc tố màu xanh-đen, không đối xứng, hay gặp ở vùng cổ, vai, mông.
        - Về hình ảnh mô bệnh học: Như bớt sắc tố Ota
              Do sự thất bại của tế bào melanin từ đầu mút thần kin đến thượng bì trong bào thai.
              - Điều trị: Đã có báo cáo cho là đáp ứng điều trị với các loại laser Q-switched.
2.4. Các rối loạn sắc tố khác
2.4.1.  Dát Cafe au lait (Caf au lait macules)
- Dát Cafe au lait là một mảng tăng sắc tố màu cafe nâu hay vàng, mật độ đều nhau. Thường thấy xuất hiện trong các hội chứng như: Marfan, Albright v.v.
       -Về hình ảnh mô bệnh học: Các tế bào melanin tập trung chủ yếu ở thượng bì. Xuất hiện nhiều tế bào khổng lồ trong giai đoạn keratin và melanin hóa.
          - Điều trị : IPL, laser Q-switched Nd:YAG (532 nm-1064nm), laser Q-switched Alexanderite (755 nm), laser Q-switched Ruby (695 nm), TCA, áp nitơ lạnh v.v. điều có hiệu quả nhưng thường hay tái phát.
2.4.2. Bớt sắc tố Spilux
          - Bớt sắc tố Spilux là mảng tăng sắc tố, màu vàng đậm, giới hạn rõ, không đối xứng, trên mảng sắc tố có nhiều chấm tăng sắc tố đậm hơn như nốt ruồi. Tổn thương này có thể là bẩm sinh hay mắc phải, hay gặp ở mặt, thân mình hay tứ chi. Tỉ lệ : 1,7/1000 trẻ sơ sinh, 0,2% người da trắng.
          - Về hình ảnh mô bệnh học: không rõ ràng, đã có nhiều báo cáo tìm thấy tế bào ung thư ác tính malanin trên bớt spilux. Đây là một dấu hiệu chỉ điểm cho một dạng ung thư ác tính
         - Điều trị :
              + Có nhiều báo cáo cho là đáp ứng tốt với laser Q-switched nhưng theo tôi nên phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn là hiệu quả nhất và khôn tái phát.
              + Nên làm giải phẫu bệnh trước khi điều trị laser, nếu không khi chiếu laser những tế bào melanin dễ chuyển thành át tính.
2.4.3. Bớt sắc tố bẩm sinh Spitz
- Bớt sắc tố bẩm sinh Spitz là một khối u dạng nốt ruồi ở da, gặp lúc mới sinh, có bờ tròn đều, nổi cao lên mặt da, hay gặp ở mặt, cổ, mình, tư chi.
         - Về hình ảnh mô bệnh học: Các tế bào melanin tập trung chủ yếu ở thượng bì, chủ yếu là giai đoạn hình thành tế bào melanin và keratin.
- Điều trị: Cắt bỏ và tạo hình thẩm mỹ.

Tài liệu tham khảo
1. Ang Por (2003). Cosmetic Pigmentary Disorders. Medical Practitioners.
2. Đinh Công Phúc (2008). Bớt sắc tố Ota-Hori. Tạp chí Y học lâm sàng Quân đội 108.
3. Gerardo Ferrara, Giuseppe Argenziano, H. Peter Soyer, Sergio Chimenti, Arturo Di Blasi, Giovanni Pellacani, Ketty Peris, Domenico Piccolo, Pietro Rubegni, Stefania Seidenari, Stefania Staibano, Iris Zalaudek, Gaetano De Rosa (2005). The Spectrum of Spitz Nevi. Archives Dermatol.
4. Kanlaya Tanyasiri, Taro Kono, William Frederick Groff, Takamitsu Higashimori, Iskra Petrovska, Hiroyuki Sakurai, Motohiro Mozaki (2007). Mongolian spots with involvement of mandibular area. Journal of Dermatology.
5. Hong Wei Wang, Yue Hua Liu, Giang Kui Zhang, Hong Zhong Jin, Ya Giang Zuo, Guo Tia Jiang và Jia Bi Wang (2007). Analysis of 602 Chinese Cases of Nevus of Ota and theTreatment Results Treated by Q-Switched Alexandrite Laser. American Society for Dermatologic Surgery
6.Woraphong Manuskiatti, Apichati Sivayathorn, Panadda Leelaudomlipi và Richard E. Fitzpatrick (2003). Treatment of acquired bilateral nevus of Ota–lik macules (Hori’s nevus) using a combination of scanned carbon dioxide laser followed by Q-switched ruby laser. American Academy of Dermatology
                                     


0 nhận xét:

Đăng nhận xét